Phó chủ tịch Hiệp hội thép: Không nên quá lo ngại khả năng Mỹ điều tra lẩn tránh thuế đối với thép

 Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng không nên quá lo ngại khả năng Mỹ điều tra lẩn tránh thuế đối với thép. Nguyên nhân là Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu tôn cuộn cán nóng để sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội thay vì phải hoàn toàn nhập khẩu như trước kia.

Ngày 12/6, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) đối với một số sản phẩm thép được nhập khẩu từ Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết.

Cụ thể, nguyên đơn cáo buộc rằng sau khi Mỹ tiến hành điều tra CBPG và CTC vào năm 2015, lượng nhập khẩu thép carbon chống ăn mòn và thép cán nguội từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm nhưng nhập khẩu từ Việt Nam lại tăng mạnh. Cũng theo phía Mỹ, Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ hai quốc gia này để sản xuất sản phẩm bị điều tra, và việc sản xuất này không được coi là chuyển đổi đáng kể.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng vấn đề này không đáng ngại do Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu tôn cuộn cán nóng để sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội thay vì phải hoàn toàn nhập khẩu như trước kia.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa. Ảnh: Đức Quỳnh

“Trước đây, 100% thép cuộn cán nóng dùng để sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội của Việt Nam phải nhập khẩu từ nhiều nước trong đó có cả Trung Quốc. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 6/2017, Fomosa đã sản xuất được nguồn nguyên liệu này”, ông Sưa cho hay.

Theo đó, sản lượng tôn cuộn cán nóng năm ngoái đạt 1,4 triệu tấn và dự kiến đạt 4 triệu tấn trong năm nay.

“Với lượng xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ chỉ khoảng 200.000 tấn, trong khi sản lượng thép cuộn cán nóng đạt trên 1 triệu tấn, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thép của mình”, ông Sưa khẳng định.

Hồi cuối tháng 5, ông Sưa cũng có ý kiến tương tự sau khi DOC cho biết sẽ áp mức thuế chống bán phá giá là 199,76% cũng như thuế đặc biệt 256,44% lên sản phẩm thép cuộn từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc Trung Quốc sau khi kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Sưa cho rằng điều đáng quan ngại nhất là lệnh áp thuế 25% lên sản phẩm thép theo đạo luật 232. Ông cho rằng đây là chính sách mơ hồ, không có tiêu chí cụ thể nào mà chỉ áp dụng theo kiểu “tùy hứng”.

Trên thực tế, nếu đánh thuế 25%, thép Việt Nam vẫn đủ khả năng cạnh tranh với thép Mỹ xét về giá cả. Giá thép của Mỹ và EU cao hơn hẳn so với các nước khác trên thế giới. Chẳng hạn như tại Mỹ, giá thép cuộn cán nóng lên tới 950 USD/tấn, nhưng ở Việt Nam chỉ có 600 USD/tấn.

Tuy nhiên, việc một số nước được miễn trừ lệnh thuế này lại tạo ra sự bất bình đằng trong cạnh tranh tại thị trường Mỹ. “Việt Nam không phải cạnh tranh quá gay gắt với thép Mỹ nhưng lại chịu thiệt thòi so với các nước không bị áp thuế”, ông Sưa nói.

Trong bối cảnh thép Việt trở thành mục tiêu của các vụ điều tra lẩn tránh thuế, kèm theo đó, thép Trung Quốc đang bị nhièu nước áp thuế chống bán phá giá, ông Sưa cho hay Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị không cấp phép cho dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của công ty Yong Jin Metal (Trung Quốc). Vị phó chủ tịch hiệp hội cho rằng thép Việt Nam có thể bị mang tiếng là thép Trung Quốc gia công qua loa rồi xuất khẩu sang các nước khác.

“Nếu Yong Jin Metal được cấp phép, thép Việt Nam chắc chắn sẽ bị nhiều nước áp thuế chống lẩn tránh thuế”, ông Sưa khẳng định.

Thép là mặt hàng phải đối mặt với nhiều vụ điều tra chống bán phá và chống trợ cấp giá nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá giai đoạn từ năm 1994 đến nay, có tới 37 vụ liên quan tới mặt hàng thép. Chưa dừng lại ở đó, số vụ điều tra chống trợ cấp mặt hàng thép cũng chiếm tới 3/4 với 8 vụ.

Nguồn tin: Vietnambiz

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

đã ký hợp đồng mua bán