Hòa Phát ghi tên mình vào bản đồ doanh nghiệp thép lớn thế giới

Bước sang tuổi 25, Hòa Phát được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng đồng ý chủ trương cho triển khai dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Dung Quất. Đây là bàn đạp để Hòa Phát tăng trưởng vượt bậc về quy mô, doanh thu và lợi nhuận để có thể giữ vững vị thế trong nhóm dẫn đầu của bảng xếp hạng các doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất hàng năm.

Tham vọng vào Top các doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới

Có thêm Dự án khu liên hợp gang thép Hòa Phát – Dung Quất, Hòa Phát không chỉ trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép trong nước mà còn có tên trong bản đồ các doanh nghiệp thép hàng đầu thế giới, nằm trong Top 50 doanh nghiệp thép có công suất lớn nhất thế giới.

Đến năm 2020, Hòa Phát sẽ có công suất hàng năm 4 triệu tấn thép dài (gồm 2 triệu tấn của các nhà máy tại Hải Dương, Hưng Yên, 2 triệu tấn thép dài từ giai đoạn 1 Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất); 2 – 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) của giai đoạn 2 dự án Dung Quất và 1 triệu tấn ống thép, 400.000 tấn tôn mạ màu, mạ kẽm và nhiều sản phẩm thép hạ nguồn khác. Tổng cộng công suất các sản phẩm thép đạt khoảng 7 – 8 triệu tấn với một doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Theo lộ trình, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Dung Quất sẽ đi vào hoạt động từ năm 2019 với doanh thu dự kiến 2 tỷ USD, kỳ vọng đến hết năm 2019 sẽ đóng góp lớn vào doanh thu của Hòa Phát, góp phần quan trọng và tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận kể từ năm này.

Sau khi Khu liên hợp gang thép Dung Quất được đưa vào vận hành, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2020 và theo lời Chủ tịch Tập đoàn Trần Đình Long, đó là một tham vọng “thận trọng chứ không hề táo bạo”.

Không dừng lại ở đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi 2017 diễn ra sáng ngày 20/10, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát đã tiết lộ doanh nghiệp này đang đề xuất với tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai thêm một số dự án hạ nguồn của ngành luyện kim nhằm gia tăng chuỗi giá trị các sản phẩm thép. Đó là các dự án sản xuất thép hợp kim mangan silic; dự án thép cán nguội mạ màu và kẽm; dự án sản xuất ống thép chất lượng cao, thép dự ứng lực.

Hòa Phát hiện nay dẫn đầu thị phần thép xây dựng với gần 24% và đứng đầu thị phần ống thép với trên 26%. Tăng quy mô sẽ giúp HPG củng cố năng lực cạnh tranh vượt trội của mình nhờ chi phí thấp cũng như chất lượng sản phẩm dựa vào công nghệ hiện đại hàng đầu của nhà máy Dung Quất.

Biên lợi nhuận ngày càng được cải thiện

Trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất năm 2017 – Profit500 do Vietnam Report công bố mới đây, Hòa Phát lần đầu tiên lọt Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận lớn nhất Việt Nam cùng nhiều tên tuổi lớn khác.

Với Hòa Phát, ngay cả trong thời kỳ thị trường thép lao đao nhất (giai đoạn 2013 – 2014), thị trường thép toàn cầu thua lỗ thì Hòa Phát vẫn tăng trưởng lợi nhuận hơn 50%/năm nhờ tiết giảm chi phí tối đa và mở rộng thị trường. Tỷ suất lợi nhuận của Tập đoàn này đã tăng từ 12,7% năm 2014 lên mức 19,8% trong năm 2016.

Kết quả vận hành Khu liên hợp gang thép Hòa Phát – Hải Dương cho thấy trình độ, kỹ năng quản lý sản xuất của Hòa Phát đã làm chủ được công nghệ. Tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát – Kinh Môn, Tập đoàn đã vận hành đồng bộ cả 3 giai đoạn nâng tổng công suất của Hòa Phát lên 2 triệu tấn/năm. Nhờ làm chủ công nghệ, áp dụng các biện pháp thu hồi nhiệt trong sản xuất, tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào, nâng cao trình độ thao tác vận hành mà Hòa Phát đã giảm tiêu hao điện 30 – 40% ở công đoạn lò cao và giảm tiêu hao khí đốt 20 – 30% ở công đoạn cán thép…

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thép thông thường, kể từ năm 2017, Hòa Phát tập trung sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao (thép rút dây, thép que hàn) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước như Úc, Campuchia, Mỹ… Những sản phẩm này trước đây thường phải nhập khẩu từ các nước, chủ yếu là Trung Quốc và Hòa Phát là một trong số rất ít các doanh nghiệp thép chế tạo được. Việc đẩy mạnh sản xuất thép chất lượng cao sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của Tập đoàn trong thời gian tới.

Với tốc độ tăng trưởng của toàn ngành thép đạt 10% năm và mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi 8 – 9 tỷ USD để nhập khẩu thép Trung Quốc, dư địa tăng trưởng của cho Hòa Phát vẫn còn rất lớn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

đã ký hợp đồng mua bán