Hải quan Hải Phòng nói gì về phản ánh thủ tục nhập thép của Công ty Đức Thắng?

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, việc phân luồng Đỏ (phải kiểm tra thực tế hàng hóa) của Công ty TNHH XNK Đức Thắng được Hệ thống thông quan tự động của Tổng cục Hải quan phân luồng theo tiêu chí về quản lý rủi ro.

Mới đây, Công ty TNHH XNK Đức Thắng (Hải Phòng) phản ánh thông tin với một số cơ quan báo chí rằng doanh nghiệp này bị Hải quan Hải Phòng gây khó dễ khi làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng thép khi lô hàng nào cũng phải kiểm tra thực tế và lấy mẫu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nội dung này đã được doanh nghiệp phản ánh một thời gian trước đó và đã được Hải quan Hải Phòng trả lời bằng văn bản.

Cụ thể, trong tháng 11, Cục Hải quan Hải Phòng đã có văn bản giải quyết các kiến nghị này cho doanh nghiệp đồng thời gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng để báo cáo UBND TP.Hải Phòng theo chỉ đạo của thành phố.

Được biết, tính từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp nhập khẩu một loại hàng, số lần nhập khẩu khoảng 30 lần (ở một số chi cục trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng) và đều được phân vào luồng Đỏ và phải lấy mẫu để phân tích, phân loại.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, việc phân luồng kiểm tra đối với các lô hàng xuất nhập khẩu hiện nay được thực hiện theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro bằng việc phân tích, đánh giá và thiết lập các tiêu chí trên hệ thống của ngành Hải quan.

Thời gian qua, một số mặt hàng sắt thép được Tổng cục Hải quan xác định là mặt hàng nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vi phạm. Do đó, việc các lô hàng dây thép của doanh nghiệp được phân luồng Đỏ trong thời gian qua (phải kiểm tra thực tế hàng hóa và lấy mẫu phân tích, phân loại) là dựa trên nguyên tắc này.

“Việc phân luồng  Đỏ các lô hàng của doanh nghiệp hoàn toàn do Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS thực hiện, Chi cục không tự động chuyển luổng Đỏ để kiểm tra với bất kỳ lô hàng nào của doanh nghiệp mà hoàn toàn kiểm tra theo phần luông của Hệ thống”- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I Nguyễn Thị Thu Hiền (một trong những đơn vị làm thủ tục cho Công ty TNHH XNK Đức Thắng) trao đổi thêm với phóng viên ngày 9/12.

Liên quan đến việc lấy mẫu kiểm định, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết: Việc lấy mẫu và quy định cụ thể lấy với số lượng, kích thước, độ dài cho từng mẫu được quy định cụ thể tại Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan thế nào?

Điều 17 Luật Hải quan quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan như sau:

1. Cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải; hỗ trợ hoạt động phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

2. Quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan bao gồm việc thu thập, xử lý thông tin hải quan; xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro; tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý hải quan phù hợp.

3. Cơ quan hải quan quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để tự động tích hợp, xử lý dữ liệu phục vụ việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro và việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Theo báo Hải quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

đã ký hợp đồng mua bán